Bệnh sùi mào gà là một trong những căn bệnh xã hội nguy hiểm, có sự lây lan nhanh nếu không biết cách phòng tránh. Bệnh cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh gây nhiều biến chứng khó lường. Vậy cách điều trị sùi mào gà là gì?
Bệnh sùi mào gà
Sùi mào gà (hay mụn cóc sinh dục) là những nốt sùi mềm xuất hiện trên bộ phận sinh dục, có thể mọc đơn lẻ hoặc mọc dày đặc lên thành hình dạng giống như súp lơ hoặc mào gà, gây đau, khó chịu, ngứa ngáy. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) do chủng virus HPV – Human papilloma virus gây ra.
Loại virus này có nhiều chủng loại, trong đó có 40 chủng là tác nhân gây bệnh thông qua đường quan hệ tình dục. HPV-16 và HPV-18 là tác nhân gây sùi mào gà ở 90% trường hợp mắc bệnh.
Bệnh sùi mào gà xuất hiện ở cả nam giới và nữ giới nhưng theo thống kê thì nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Nguyên nhân vì nữ giới thường đón nhận tinh dịch của nam khi quan hệ tình dục và môi trường âm đạo cũng tạo điều kiện tốt cho loại virus này phát triển. Ngoài quan hệ tình dục không an toàn, bệnh còn có thể lây truyền bởi các nguyên nhân như lây từ mẹ sang con hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.
Bệnh sùi mào gà không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng khó lường. Nó khiến người bệnh tự ti, ngại tiếp xúc với mọi người; ảnh hưởng tới đời sống tình dục; gây đau rát khi đi lại,… Nếu mắc bệnh trong giai đoạn mang thai, thai phụ có nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Thai nhi cũng có nguy cơ mắc bệnh sau khi sinh hoặc nhiễm bệnh khi bú mẹ. Thậm chí, nó còn gây nhiều biến chứng như ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật,… dẫn tới vô sinh, hiếm muộn hoặc tử vong.
Con đường lây bệnh
Sùi mào gà có thể lây nhiễm qua các cách sau:
- Quan hệ tình dục không an toàn qua đường âm đạo, hậu môn, miệng…
- Tiếp xúc trực tiếp: sùi mào gà có thể lây truyền khi tiếp xúc với bộ phận sinh dục hoặc các vùng da khác có mụn cóc của người nhiễm bệnh.
- Dùng chung vật dụng cá nhân: gồm đồ chơi tình dục, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, quần áo hoặc đồ vệ sinh cá nhân với người mắc sùi mào gà. Những vật dụng này có thể mang theo dịch mủ của người bệnh và lây nhiễm cho người sử dụng sau đó.
- Từ mẹ sang con: bệnh có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở, tuy nhiên trường hợp này thường không phổ biến.
Không phải lúc nào nhiễm virus cũng biểu hiện thành triệu chứng. Vì vậy việc kiểm soát nguồn lây bệnh sùi mào gà rất phức tạp.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có các dấu hiệu sau, bạn nên đến các phòng khám về sức khỏe tình dục/sinh sản để được chẩn đoán và điều trị:
- Xuất hiện 1 hoặc nhiều nốt mụn hoặc nốt sùi không đau xung quanh âm đạo, dương vật hoặc hậu môn.
- Ngứa, chảy máu từ bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
- Thay đổi dòng nước tiểu bình thường (ví dụ: chảy sang một bên) nhiều lần không biến mất.
- Có bạn tình mắc bệnh.
Cách điều trị sùi mào gà
Các phương pháp điều trị sùi mào gà được áp dụng tùy thuộc vào số lượng nốt sùi, vị trí, tình trạng sức khỏe. Cách điều tri bệnh có thể được chia thành 2 nhóm chính: sử dụng thuốc và dùng thủ thuật.
Điều trị bằng thuốc
Phương pháp điều trị bằng thuốc bao gồm các loại kem hoặc dung dịch được bôi lên tổn thương sùi mào gà (một số bắt buộc phải được thực hiện bởi nhân viên y tế). Tất cả các phương pháp điều trị này phải được sử dụng một hoặc nhiều lần mỗi tuần trong vài tuần, cho đến khi sùi mào gà biến mất.
Imiquimod
Imiquimod là một loại kem kích hoạt hệ thống miễn dịch để loại bỏ sùi mào gà. Bạn có thể thoa kem trực tiếp lên sùi mào gà (thường là trước khi đi ngủ), sau đó rửa sạch vùng da đó bằng nước từ 6 đến 10 giờ sau đó. Sử dụng kem ba ngày mỗi tuần trong tối đa 16 tuần hoặc hàng ngày trong tối đa tám tuần. Kích ứng nhẹ và mẩn đỏ là điều bình thường khi sử dụng imiquimod và có nghĩa là việc điều trị đang có hiệu quả. Imiquimod không được khuyến cáo trong thời kỳ mang thai.
Podophyllin
Podophyllin là một phương pháp điều trị phá hủy mô sùi mào gà. Bác sĩ hoặc y tá bôi dung dịch trực tiếp lên (các) sùi mào gà bằng tăm bông và rửa sạch vùng đó từ một đến bốn giờ sau đó. Việc điều trị được lặp lại hàng tuần trong 4 đến 6 tuần hoặc cho đến khi các tổn thương khỏi hẳn. Các tác dụng phụ bao gồm từ kích ứng da nhẹ đến đau và loét da. Podophyllin không được sử dụng cho bệnh nhân mang thai.
Podofilox
Podofilox tương tự như podophyllin, nhưng bạn có thể bôi podofilox (Condylox) tại nhà. Sử dụng tăm bông, bạn bôi gel hoặc dung dịch lỏng lên (các) sùi mào gà hai lần mỗi ngày trong ba ngày liên tiếp. Sau đó, bạn không sử dụng phương pháp điều trị nào trong bốn ngày tiếp theo. Bạn có thể lặp lại chu kỳ này tối đa bốn lần cho đến khi sùi mào gà biến mất. Podofilox không được sử dụng cho bệnh nhân mang thai. Tác dụng phụ của podofilox tương tự như tác dụng phụ của podophyllin.
Axit bichloracetic và axit trichloroacetic
Cả axit bichloracetic (BCA) và axit trichloroacetic (TCA) đều là những axit phá hủy mô sùi mào gà. TCA được sử dụng phổ biến nhất và phải được bác sĩ hoặc y tá thực hiện. Nhân viên y tế bôi axit lên sùi mào gà mỗi tuần một lần trong vòng 4 đến 6 tuần hoặc cho đến khi sùi mào gà biến mất. Tác dụng phụ của TCA bao gồm đau và rát. TCA có thể sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Sinecatechin
Sinecatechin là một sản phẩm chiết xuất từ thực vật, cơ chế hoạt động chính xác của catechin vẫn chưa được biết, nhưng chúng có cả hoạt tính chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch. Hiện tại thuốc chưa sẵn có tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị khác đang được nghiên cứu như tiêm vaccine MMR (sởi-quai bị-rubella) tại tổn thương, ALA-PDT,…
Dùng thủ thuật
Điều trị bằng phẫu thuật
Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật bao gồm các phương pháp điều trị loại bỏ mụn cóc (gọi là cắt bỏ) và các phương pháp điều trị phá hủy (đông lạnh, đốt cháy) nốt sùi.. Phương pháp điều trị phẫu thuật có thể được khuyến nghị cho:
- Mụn cóc diện tích lớn, số lượng nhiều.
- Mụn cóc ở âm đạo, niệu đạo hoặc hậu môn.
- Khu vực có thay đổi tiền ung thư ngoài mụn cóc.
- Không đáp ứng với các phương pháp dùng thuốc.
Laser
Laser tạo ra năng lượng nhiệt, giúp phá hủy và bốc bay tổn thương sùi. Các bác sĩ thực hiện điều trị bằng laser cần được đào tạo cụ thể và trang thiết bị chuyên dụng. Điều trị bằng laser được thực hiện trong phòng phẫu thuật bằng cách gây tê tại chỗ (hoặc gây mê) để tránh đau. Liệu pháp laser có thể được khuyến nghị nếu bạn có nhiều mụn cóc lan rộng trên một diện tích lớn. Ưu điểm của laser là ít chảy máu, chính xác, ít xâm lấn mô xung quanh hơn đốt điện và plasma. Tác dụng phụ của laser bao gồm sẹo, đau và những thay đổi sắc tố trên da.
Liệu pháp áp lạnh
Liệu pháp áp lạnh sử dụng nhiệt độ cực lạnh (thường dùng ni tơ lỏng) để đóng băng tổn thương sùi. Phương pháp áp lạnh thường gây đau trong quá trình thực hiện; các tác dụng phụ khác có thể bao gồm kích ứng da, sưng tấy, phồng rộp và loét. Liệu pháp áp lạnh có thể được sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Đốt điện
Đốt điện sử dụng năng lượng điện để đốt cháy tổn thương sùi. Điều trị thường được thực hiện trong phòng phẫu thuật bằng cách gây tê tại chỗ để giảm đau. Đốt điện có tỷ lệ để lại sẹo cao.
Phẫu thuật cắt bỏ
Sử dụng phẫu thuật để loại bỏ tổn thương sùi. Hầu hết trường hợp được điều trị trong phòng phẫu thuật bằng cách gây mê để tránh đau. Tỷ lệ tái phát của phẫu thuật tương đối cao.
Cách chăm sóc người bệnh sùi mào gà
Để chăm sóc người bệnh mắc sùi mào gà, có thể áp dụng những biện pháp sau đây:
- Bảo đảm vệ sinh cá nhân: Người bệnh cần giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng không gây kích ứng. Ngoài ra, tránh sử dụng vật dụng cá nhân chung như khăn tắm, quần áo, đồ lót, dao cạo, bàn chải đánh răng, dụng cụ bấm móng,… để không bị lây nhiễm.
- Điều trị đúng cách: Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định và thực hiện các phương pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình điều trị, không tự ý dừng thuốc và thay đổi liều lượng.
- Hạn chế quan hệ tình dục: Người bệnh cần hạn chế quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm cho đối tác và không làm tổn thương vùng bệnh. Nếu quan hệ, nên sử dụng bảo vệ như bao cao su hoặc màng chắn y khoa nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho đối phương trong quá trình quan hệ.
- Giảm stress: Cân bằng cuộc sống, giữ tâm trạng thoải mái, ăn uống và sinh hoạt đúng giờ giúp cơ thể giảm căng thẳng, nhằm tăng cường sức đề kháng để chống lại virus.
- Bổ sung dinh dưỡng: Ăn nhiều rau, quả, hạt, chất xơ và protein, tránh thực phẩm giàu đường, chất béo và đồ ăn nhanh để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị.
- Hỗ trợ tinh thần: Động viên, an ủi và giúp đỡ người bệnh trong quá trình điều trị để người bệnh không cảm thấy cô đơn hoặc áp lực, sinh ra stress, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Thường xuyên kiểm tra và theo dõi: Người bệnh cần thường xuyên tham khảo ý kiến bác sĩ định kỳ trong suốt thời gian điều trị và sau khi điều trị để đảm bảo hiệu quả và theo dõi các biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh sùi mào gà có thể tái phát trong vòng vài tuần đến vài tháng sau điều trị. Bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tái phát (nếu có).
Việc đào thải virus HPV phụ thuộc chủ yếu vào hệ miễn dịch của cơ thể. Chế độ sinh hoạt không tốt có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, do đó bệnh dễ tái phát hơn. Những khuyến cáo quan trọng là: ngủ sớm và đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh căng thẳng, stress và tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích.
Bệnh sùi mào gà là một bệnh lây truyền qua đường tình dục khá thường gặp và ngày càng trở nên phổ biến. Nếu bạn có triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy tới những cơ sở khám chữa bệnh uy tín (các bệnh viện chuyên khoa da liễu) để được thăm khám và điều trị một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Leave a reply